Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm nCoV: lây truyền qua không khí (bằng việc tiếp xúc qua đường nước bọt với người bị sổ mũi, ho, hắt xì vào đường hô hấp), lây trực tiếp (tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh không thực hiện biện pháp phòng ngừa), lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm khuẩn.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin đến với người dân: Virus Corona không lây qua đường bụi khí mà chỉ lây nghiễm đối với trường hợp bị những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2m. Giữ khoảng cách trên 2m là an toàn.

Thông tin các nhà khoa học Thượng Hải, Trung Quốc cho biết nCoV có thể lây truyền qua "bụi khí" là lỗi dịch thuật. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết "Aerosol" trong bối cảnh này không phải là “bụi khí” như tờ báo đã dịch, mà đó là cách điều trị viêm hô hấp phổ biến trong các bệnh viện.

1. Aerosol là gì?

Theo các chuyên gia, Aerosol có nghĩa là khí dung. Là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Hơn nữa, đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí - phế quản, viêm mũi xoang…

Khi sử dụng phương pháp điều trị khí dung, bệnh nhân được úp mặt nạ lên vùng mũi, miệng. Các dung dịch bốc hơi được đưa trực tiếp vào đường hô hấp của bệnh nhân thông qua một ống dẫn khí nối với máy phát khí dung.

Như vậy, khi bơm khí vào mặt nạ sẽ tác động thẳng đến vùng trong họng bệnh nhân. Tuy nhiên, do áp lực bơm khí dung, các giọt bắn có thể văng ra hai bên của mặt nạ nên có thể mang nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp.

Ngoài ra, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh và cảnh báo thêm trong quá trình điều trị các bệnh truyền nhiễm như nCoV, xông khí dung là phương pháp dễ lây lan và bội nhiễm gây tử vong.

"Virus corona không tự lây truyền qua không khí mà chúng được bao bọc bên trong môi trường là các dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện", bác sĩ Khanh khẳng định.

2. Làm thế nào để phòng ngừa virus Corona?

Đến nay, vẫn chưa có vắc-xin nào điều trị viêm phổi Vũ Hán do virus Corona gây ra. Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân về việc phòng ngừa Virus Corona bằng những biện pháp sau:

- Rửa tay thật kĩ với xà phòng

Rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây để phòng lây nhiễm nCoV. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi, sau khi tháo khẩu trang, sau khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho, hắt hơi của người bệnh.

Trước các bữa ăn và trước khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật, sau khi đi vệ sinh.

Khi không có xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng kết hợp với các biện pháp vệ sinh hô hấp, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, dụng cụ và sử dụng khẩu trang đúng cách.

- Chế độ ăn uống lành mạnh

Thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, nếu thức ăn chưa được nấu chín kỹ càng thì bạn cần cẩn trọng bởi những mối nguy hại về việc phát tán dịch bệnh mà thức ăn sống có thể gây ra.

Chính vì vậy, khi nấu thực phẩm như thịt lợn cần được nấu ở nhiệt độ tối thiểu 63 độ C và chỉ nên ăn sau đó ít nhất 3 phút để tiêu diệt hết vi khuẩn có trong đó.

Ngoài ra, mọi người tuyệt đối không ăn thịt của các động vật hoang dã như thịt cừu, thỏ, lạc đà…. Vì những động vật hoang dã có khả năng cao chứa virus bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với con người nên bạn cần hạn chế sử dụng.

- Đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách

+ Đối với khẩu trang y tế chỉ sử dụng đúng một lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.

+ Khi đeo khẩu trang y tế phải để mặt xanh ra ngoài vì mặt xanh có khả năng chống thấm nước. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên đeo vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

+ Khi đeo khẩu trang tuyệt đối không để bàn tay chạm vào mặt ngoài.

+ Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, động tác này vô tình làm cho bàn tay bị nhiễm khuẩn chạm vào khẩu trang, sau đó sẽ gây bệnh cho chính bản thân.

+ Rửa tay ngay sau khi tháo khẩu trang.

Theo chỉ thị của Thủ tướng, người dân cần thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập ở những nơi đông người để phòng bệnh truyền nhiễm và tránh hít phải bụi bẩn trong không khí. Điều này vừa bảo vệ chính bản thân, vừa ngăn ngừa virus cho những người xung quanh.

Đặc biệt lưu ý, trong mọi trường hợp, mọi người cần tuân thủ theo những khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch viêm phổi do virus Corona gây ra để bảo vệ bản thân và gia đình.